Học sinh nghiên cứu và ứng dụng dây thoát hiểm ở trường

Đăng lúc 13:58:23 06/06/2020

Học sinh muốn tìm ra một giải pháp an toàn, tiện lợi, giá thành rẻ để giải quyết vấn thoát nạn trong PCCC. Vậy là sản phẩm dây thoát hiểm được ra đời.

Học sinh nghiên cứu và ứng dụng dây thoát hiểm ở trường

Trăn trở và ám ảnh bởi những thiệt hại đáng tiếc về người trong những vụ cháy tại các chung cư cao tầng, Lê Thanh Phước - học sinh lớp 11TN3, Trường THPT Đức Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), muốn tìm ra một giải pháp an toàn, tiện lợi, giá thành rẻ để giải quyết vấn đề này. Vậy là sản phẩm dây thoát hiểm được ra đời. Đây cũng là sản phẩm giúp Phước đoạt giải ba cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2018-2019.

Từ ý tưởng tới thực hành

Có ý tưởng, Phước bắt tay nghiên cứu những sản phẩm có tính năng tương tự với những ưu, nhược điểm. Em nhận thấy, hầu hết sản phẩm đều khá đắt đỏ và có một vài khuyết điểm như chỉ đưa được 1 người từ tầng cao xuống, khi xuống rồi thì không thể kéo lên cho người cần dùng phía trên. Điều ấy càng thôi thúc Phước nghiên cứu ra một sản phẩm dây thoát hiểm mới, khắc phục những hạn chế của các sản phẩm cùng tính năng, đặc biệt giảm giá thành xuống mức thấp nhất có thể để mỗi gia đình đều có thể sở hữu và sử dụng khi cần thiết. Nói là làm, Phước tiến hành tìm kiếm các nguồn tài liệu về nguyên lý hoạt động của ròng rọc trên Internet cũng như tham khảo ý kiến các thầy, cô môn Vật lý. Sau đó, Phước tìm mua các vật liệu, nguyên liệu và luôn đi kèm với tiêu chí rẻ nhưng phải chất lượng.

Đầu tư nghiên cứu 

Trong quá trình làm sản phẩm, Phước gặp không ít khó khăn như dây bị cứng, khó di chuyển lên xuống. Có lúc, Phước muốn bỏ cuộc nhưng nhớ lại lý do ban đầu muốn làm sản phẩm thì trở nên quyết tâm hơn. Phước chia sẻ: "Em nỗ lực nghiên cứu, thử nhiều cách nhằm khắc phục những hạn chế. Em cũng không nóng vội như trước đó mà cứ sửa, điều chỉnh những chỗ sai, chưa thỏa đáng từng chút một. Vậy là sau 3 tháng, em hoàn thiện sản phẩm của mình. Em rất vui và tự hào khi khám phá ra tiềm năng của bản thân. Đây cũng là động lực giúp em mạnh dạn, tự tin hơn khi nghiên cứu, sáng tạo để làm ra những sản phẩm khác, mang tính ứng dụng cao cho xã hội".

Kết cấu và trải nghiệm thực tế

Theo đó, cấu tạo của sản phẩm gồm 4 phần: Ròng rọc, trục quay, dây đeo thắt lưng và dây thừng. Trong đó, ròng rọc có 2 cái, gồm: Ròng rọc 1 cố định - là ròng rọc chính dùng để treo lên các thanh sắt cố định, ròng rọc 2 là ròng rọc dùng để tăng lực ma sát trượt và giảm chuyển động của dây khi xuống đất; dây thừng dùng để nối ròng rọc và dây thắt lưng một cách chắc chắn; trục quay dây có vai trò giúp người thứ nhất khi xuống đất có thể kéo lên cho người thứ hai sử dụng; dây đeo thắt lưng dùng để thắt ngay lưng bụng của người sử dụng khi họ di chuyển từ trên xuống.

Và cách sử dụng sản phẩm cũng khá đơn giản

Trước tiên, dùng dây thừng luồn qua ròng rọc 1 (hai vòng) và thắt 1 vòng tròn ở đầu dây mới luồn qua, rồi dùng dây đai luồn qua vòng tròn đó. Tiếp theo, ta móc đầu ròng rọc 2 vào vòng tròn đó 1 lần nữa và quấn dây (2 vòng) vào ròng rọc 2 ở sợi dây còn lại phía bên kia ròng rọc 1. Ta dùng dây đeo thắt lưng thắt chặt vào người. Khi chuẩn bị xuống, dùng tay giữ 1 dây của ròng rọc 2, một tay giữ thăng bằng, sau đó thả dây từ từ đi xuống bằng hai tay. Có một trục quay để thu dây khi người di chuyển từ trên xuống. Khi xuống được mặt đất, ta sẽ tháo dây đai, tháo dây trên ròng rọc 2 ra và dùng tay để kéo dây đai lên cho người ở trên tiếp tục sử dụng.

Nhờ tham gia cuộc thi, Phước bước ra vùng giới hạn mà mình nghĩ trước đó. Em áp dụng được những kiến thức trên sách vào thực tế và đặc biệt là tự tin, mạnh dạn khám phá bản thân nhiều hơn nữa về lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo./.

Tags : vòi chữa cháy 

0907.101.288

Để lại tin nhắn cho chúng tôi